Cuộc chiến giữa tiếp thị trực tuyến và tiếp thị truyền thống chưa bao giờ có hồi kết. Nhiều người cho rằng quảng cáo online hiệu quả hơn nhiều so với quảng cáo truyền thống – những phương thức cũ rích, lỗi thời. Sự thật có phải vậy không? Liệu những chiêu thức tiếp thị có còn đất dụng võ trong giai đoạn bây giờ?
Ngày nay khi quảng cáo trực tuyến phát triển mạnh mẽ và chiếm thị phần lớn trong ngành quảng cáo, việc quảng bá hình ảnh thương hiệu và giao tiếp với khách hàng của mình đang dần chuyển sang xu hướng trực tuyến. Phương thức giao tiếp này khá mới mẻ, doanh nghiệp có thể tương tác với khách hàng của mình nhanh chóng, và việc tìm kiếm những khách hàng mới cũng khá dễ dàng.
Tuy nhiên khó có cuộc đàm phán hay giao dịch lớn nào mà diễn ra trên môi trường online. Để những thương vụ bạc tỷ thành công, người ta phải có một khoảng thời gian xây dựng thương hiệu hình ảnh của chính doanh nghiệp để đối tác có thể biết đến và lựa chọn. Và khi đã có khách hàng, chính bạn phải thường xuyên trao đổi, thuyết phục, đàm phán với họ… và tất nhiên những việc này không thể chỉ diễn ra trên môi trường trực tuyến được.
Nên có sự kết hợp hài hòa giữa tiếp thị truyền thống và online trong chiến dịch Marketing tổng thể
Một doanh nghiệp thành công trong thời đại ngày nay là khi họ có sự kết hợp hoàn hảo giữa việc xây dựng chiến lược quảng cáo truyền thống với trực tuyến để tiếp cận với khách hàng tiềm năng, và đẩy mạnh doanh thu bán hàng.
Sau đây là 10 chiêu thức tiếp thị truyền thống mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần phải biết và áp dụng trong kinh doanh:
1. Trao và nhận danh thiếp với đối tác
Sử dụng danh thiếp để tiếp thị hình ảnh là cách làm khá dễ dàng và tốn ít chi phí nhất. Trong những cuộc gặp gỡ bạn có thể trao đổi danh thiếp với đối tác và khách hàng của mình, đây là cách lưu lại contact của nhau một cách lịch sự nhất, đồng thời cũng tạo ra được những ấn tượng ban đầu của bạn với đối tác.
Việc trao danh thiếp vừa là phép lịch sự lại vừa truyền thông về thương hiệu cho nhau
Có khá nhiều hội thảo tập trung nhiều doanh nghiệp hàng đầu, đây chính là một trong những cơ hội tốt để bạn nhận và trao đổi danh thiếp với đối tác. Và biết đâu chừng một trong số họ chính là khách hàng của bạn sau này.
Lưu ý là với danh thiếp, bạn cần thể hiện thông tin của mình rõ ràng, và thiết kế đẹp mắt, trang trọng, bởi doanh nghiệp cũng góp phần thể hiện hình ảnh và định vị của doanh nghiệp trong mắt đối tác.
2. Tài trợ cho các sự kiện, chương trình
Việc doanh nghiệp của bạn có tên trên ấn phẩm truyền thông của Sự kiện và được nhắc đến với cương vị Nhà tài trợ chính là cơ hội tốt để quảng bá thương hiệu của mình đến với đối tác và khách hàng lớn.
Không nhất thiết là tài trợ tiền, bạn cũng có thể tài trợ bằng hiện vật là những sản phẩm dịch vụ của mình để những người tham gia sẽ được trải nghiệm sản phẩm hay dịch vụ của bạn, và sau đó rất có thể bạn sẽ có thêm được khách hàng tiềm năng không chỉ là cá nhân họ mà còn là bạn bè, người thân của họ.
Nếu bạn có ngân sách, thì việc tài trợ chính cho những sự kiện mang tính cộng đồng sẽ là cách mở rộng tên tuổi vô cùng hiệu quả. Thay vì chỉ được điểm tên ở một vài sự kiện, hãy đi đầu và tài trợ toàn bộ sự kiện ấy. Một khi đã là chủ nhà, bạn sẽ có toàn quyền với sản phẩm của mình trong sự kiện ấy. Hãy tặng sản phẩm có logo thương hiệu, phiếu giảm giá, tờ rơi hay thẻ chiết khấu. Điều này tạo ra một hình ảnh thương hiệu tích cực mà mọi người tôn trọng.
3. Diễn thuyết tại các hội thảo
Thường thì CEO của doanh nghiệp – những người có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh, quản trị nhân lực sẽ được mời đến những hội thảo chuyên sâu của ngành để diễn thuyết, chia sẻ kinh nghiệm. Đây chính là cơ hội tốt để tạo ấn tượng lâu dài với những người cùng vị trí và trong ngành với bạn, cũng như xây dựng hình ảnh đại diện cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên nếu khả năng diễn thuyết chưa thật tốt, doanh nghiệp vẫn nên cử người tham dự những hội thảo chuyên ngành, vì bên cạnh việc học hỏi thêm kiến thức, cập nhật những xu hướng mới mẻ, bạn còn có thể giao lưu, xây dựng mối quan hệ với mọi người, chắc chắn là những mối quan hệ này sẽ có lúc nào đó giúp ích cho bạn.
4. Quảng cáo ngoài trời
Đây là một trong những phương thức truyền thông thương hiệu đến với khách hàng trên diện rộng hiệu quả nhất. Bao gồm những phương thức tiếp cận với khách hàng khi họ rời khỏi ngôi nhà sinh sống, có thể là trên đường phố, hoặc trong tòa nhà mà họ đang làm việc.
Và với việc quảng cáo ngoài trời có vô số phương thức để bạn lựa chọn như Pano, Billboard tấm lớn, quảng cáo trên xe buýt, taxi, Grab/Uber, quảng cáo nhà chờ xe buýt, LCD/frame trong thang máy… Hãy lựa chọn phương thức phù hợp nhất với sản phẩm và kinh phí của doanh nghiệp
5. Quảng cáo trên báo chí
Một thông cáo báo chí trên báo được xem là cách uy tín để giới thiệu thương hiệu của doanh nghiệp, đặc biệt là với những tờ báo cung cấp thông tin chính thống, có nhiều độc giả trung thành thì sẽ là lợi thế lớn. Vì vậy mà việc chủ động tạo dựng mối quan hệ tốt với báo chí rất cần thiết trong thời đại thông tin nhiễu loạn như hiện nay
6. Gửi thư truyền thống
Trong kỷ nguyên mà người ta giới thiệu sản phẩm, làm việc với nhau qua thư điện tử, thật ngạc nhiên khi phương thức gửi thư truyền thống vẫn được coi là một phương pháp tiếp thị
Thật vậy, đây được xem là hình thức tiếp cận chú trọng cá nhân hóa. Và ở cương vị khách hàng khi nhận được thư về một vài phiếu giảm giá hay cập nhật sản phẩm mới, sản phẩm mẫu, thư thông báo… họ sẽ vô cùng thích thú, và bạn sẽ nổi bật trước các đối thủ khác.
Tất nhiên là nó sẽ tốn kém hơn và đôi khi dữ liệu không nhiều bằng các chiến dịch tiếp thị email. Hãy lọc ra danh sách những khác hàng tiềm năng nhất để gửi và hãy thiết kế một bức thư độc đáo, đẹp một chút nhé
7. Tiếp thị qua điện thoại
Ngày nay với một số ngành hàng, dịch vụ thì telesales là phương thức tiếp thị chủ yếu và quan trọng nhất. Thế nhưng khó khăn đặt ra với doanh nghiệp và khách hàng của họ ngày nay quá khó tính, và quá bận để nghe những cuộc điện thoại tiếp thị sản phẩm, và thậm chí là bị “ăn chửi” chỉ vì gọi không đúng lúc.
Nhưng đừng vì thấy khó mà nản, bởi trong những cuộc gọi này sẽ mang đến khách hàng cho bạn, và chắc chắn cũng có những người đang có nhu cầu về sản phẩm đang đợi bạn tìm đến và giới thiệu.
Hãy xây dựng một kịch bản gọi thông minh, và chú ý đến thời gian cũng như nhu cầu của họ. Thay vì chỉ bán hàng, bạn có thể khéo léo hỏi thăm, trò chuyện cùng khách hàng để tìm ra nhu cầu thực sự của họ và mời họ trải nghiệm sản phẩm
8. Dự các hội chợ, triển lãm thương mại
Bạn có thể “ngó nghiêng” các tài liệu tiếp thị của đối thủ, hay hiểu qua về chiến lược của họ. Tất nhiên triển lãm cũng là cơ hội tuyệt vời để tiếp thị sản phẩm và thị trường của công ty bạn. Đồng thời, kết nối với các chuyên gia và tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng nhau.
Thường xuyên tham dự các hội chợ thương mại để trao đổi danh thiếp và giao lưu học hỏi với những người cùng ngành
9. Làm mới bộ nhận diện thương hiệu của mình
Đôi khi bạn cần đánh giá lại bao bì sản phẩm của mình, trong so sánh tương quan với đối thủ? Có thể đã đến lúc làm mới lại diện mạo đã lỗi thời của thương hiệu, những cái không còn phản ánh đúng thông điệp thương hiệu tới khách hàng tiềm năng nữa. Dành thời gian để xem và điều chỉnh, đôi khi những thay đổi nhỏ có thể tạo ra khác biệt lớn.
Hãy mạnh dạn thay đổi bộ nhận diện thương hiệu của bạn nếu chúng có lỡ “lỗi thời”, và thay đổi theo thị hiếu khách hàng để thu hút họ hơn
10. Tri ân và tôn vinh đối tác
Đây là một cách làm thông minh để truyền thông về thương hiệu của bạn, nhưng khoan, đây chỉ là mục đích sâu xa mà thôi, yếu tố chính nhất là để tôn vinh và tri ân về sự hợp tác tốt đẹp với đối tác.
Đối tác là người mang đến doanh thu lợi nhuận khổng lồ cho bạn mỗi năm, vậy thì tiếc gì mà không tổ chức một buổi tri ân dành cho họ, vừa để thắt chặt tinh thần gắn kế, vừa có thể gợi mở những cơ hội tốt hơn sau này. Có thể là một bữa tiệc, một đêm gala, ngày hội… sẽ vô cùng hào hứng.
Trên đây là 10 chiêu thức tiếp thị truyền thống được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhất hiện nay, mà dẫu tuổi đời của những phương thức này đã khá lâu đời, cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định, nhưng điều quan trọng nhất là doanh nghiệp lựa chọn được phương thức phù hợp với mình. Cần kết hợp một cách thông minh và sáng tạo giữa quảng cáo online và quảng cáo truyền thống để nâng cao hiệu quả truyền thông của doanh nghiệp.
0 nhận xét: